sunshine
group

KTS Ngô Viết Nam Sơn: Kiến trúc xanh, cần phải hiểu và làm đúng cách

Hiện là một kiến trúc sư được tham khảo và lắng nghe ý kiến trong lĩnh vực quy hoạch, kiến trúc xanh, phục vụ lợi ích cộng đồng, TSKH, KTS Ngô Viết Nam Sơn đã dành nhiều tâm huyết cho việc hình thành một bộ tiêu chí chuẩn về kiến trúc xanh phù hợp với điều kiện Việt Nam. Luôn kín lịch công việc, ông vẫn dành thời gian trò chuyện với chúng tôi quanh chủ đề này.

Tiêu chí riêng cho Việt Nam

– Kiến trúc xanh đang được các KTS trên thế giới và trong nước đặc biệt quan tâm, nhưng như anh đã từng nói, khái niệm thế nào là “kiến trúc xanh” vẫn còn nhiều ngộ nhận trong giới chuyên môn và chưa có sự đồng tình chung về cách đánh giá?

Phối cảnh dự án Khu đô thị Phú Mỹ An

Phối cảnh dự án Khu đô thị Phú Mỹ An (tại Thừa Thiên- Huế) do công ty của KTS Ngô Viết Nam Sơn thiết kế đã được phê duyệt.

– Không chỉ người dân, mà ngay cả một số KTS vẫn còn có những cách hiểu sai lệch về kiến trúc xanh. Phổ biến nhất là xu hướng cho rằng, càng gia tăng diện tích xanh thì kiến trúc càng “xanh” hơn. Do vậy mà công trình được thiết kế như một kết cấu chủ yếu phục vụ cho việc trồng cây khắp nơi, bao gồm trên tường, trên sàn, và trên mái.

Kế đến là xu hướng vay mượn uy tín của hệ thống đánh giá nước ngoài, cứ phải là một kiến trúc được đánh giá cao theo tiêu chuẩn xanh quốc tế như LEED, thì mới có thể bảo đảm chuẩn mực cần có cho công trình xanh xây dựng tại Việt Nam.

Trên thực tế, chúng ta cần hơn một sự cân bằng về diện tích xanh so với các giá trị khác của công trình. Diện tích xanh quá nhiều cũng có thể gây tác hại, thí dụ như chi phí tăng cao hơn cho việc tưới tiêu và bảo dưỡng cây, đặc biệt là trong mùa khô; cây xanh quá nhiều làm cho độ ẩm không gian sống tăng cao quá mức cần thiết, do đó có thể làm hư hỏng máy móc thiết bị và làm công trình bị lão hóa nhanh hơn.

Nhiều công trình đạt tiêu chí LEED Platinum, là xếp hạng cao nhất theo hệ thống đánh giá của Mỹ, vẫn có thể có một số mặt được xem là “không xanh” nếu xây dựng tại Việt Nam, vì tiêu chí LEED được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu các địa phương trên đất Mỹ và nhu cầu của người Mỹ, có những điều kiện địa lý, tự nhiên, và nhu cầu khác với Việt Nam.

Do đó, Việt Nam có thể tham khảo các tiêu chí xanh quốc tế, nhưng vẫn cần phải xây dựng được tiêu chí kiến trúc xanh riêng phù hợp cho mình.

Theo tôi, kiến trúc xanh cần bảo đảm các nguyên tắc chung là tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, đồng thời phải phù hợp với nhu cầu sử dụng của người dân, và góp phần nâng cao bản sắc địa phương. Trong đó tất cả những nhu cầu và tiện ích của công trình phải được thiết kế có cân nhắc sự hài hòa giữa các giá trị cần thiết cho người sử dụng.

– Đã từng nghe anh nhắc đến việc soạn thảo Bộ tiêu chí kiến trúc xanh LOTUS phù hợp với điều kiện Việt Nam. Hiện nay bộ tiêu chí này đã hoàn thiện được đến mức nào?

– LOTUS là bộ tiêu chí quy hoạch kiến trúc xanh, đang được Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam VGBC (Vietnam Green Building Council), trong đó tôi là một thành viên trong Ban Điều hành, phát triển trên cơ sở tham khảo các tiêu chí xanh quốc tế và nghiên cứu thực tế tại Việt Nam. Cho đến nay đã xây dựng được một nền tảng cơ bản, và đã tổ chức một số khóa học cho chuyên gia.

Ngoài LOTUS, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam (VACEE) cũng đang dự định nghiên cứu một bộ tiêu chí xanh khác cho Việt Nam, nhưng chỉ mới đang ở giai đoạn khởi đầu. Hội Kiến trúc sư Việt Nam trong vài năm gần đây đang tổ chức những giải thưởng kiến trúc xanh, dựa trên cơ sở các tiêu chí xanh như LEED, LOTUS…

Theo tôi, việc cần làm trước mắt là nên có sự đồng tâm hiệp lực trong việc hoàn thiện một tiêu chí xanh duy nhất cho Việt Nam. Tôi hy vọng các đơn vị trong nước như Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Xây dựng, và Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam sẽ liên kết với VGBC trong việc hoàn thiện và nâng cấp LOTUS lên tầm tiêu chuẩn quốc gia, được sự công nhận và đưa vào luật xây dựng, thay vì tạo sự cạnh tranh cố gắng tạo ra nhiều bộ tiêu chí và định hướng phát triển xanh khác nhau một cách không cần thiết, bởi vì đây hoàn toàn là một nghiên cứu khoa học phục vụ đời sống.

Lựa chọn “xanh” cho đô thị

– Một số người đã bắt đầu nói đến hệ quả của việc bê-tông hóa đô thị. Có giải pháp thay thế cho vấn đề này hay không?

– Việc bê-tông hóa đô thị đang xảy ra với mật độ cao và tốc độ nhanh tại mọi đô thị đang phát triển tại Việt Nam, vì lợi nhuận to lớn mà nó đem lại cho nhà đầu tư, và sự bất cập trong quản lý đô thị.

Thí dụ, nhìn không ảnh thành phố Hồ Chí Minh, chúng ta thấy đa số diện tích bờ tây của khu trung tâm trắng xóa do bê-tông hóa, do lấp kênh rạch và sông hồ, trong khi diện tích dành cho cây xanh ngày càng giảm xuống. Chính vì vậy mà tình trạng ngập lụt, kẹt xe, và ô nhiễm ngày càng gia tăng.

Một số người cho rằng việc phát triển khu nam thành phố như là nguyên nhân gây ngập lụt cho khu đô thị bờ tây, nhưng lý luận này không logic, không phải là khu vực thấp là không được phát triển đô thị cho dù nó nằm ở gần khu trung tâm, mà vấn đề là phát triển như thế nào. Khu nam bản thân là khu vực thấp, do đó đáng ra phải ngập trước, nhưng lại không ngập, nhờ có quy hoạch dành nhiều diện tích cho cây xanh, mặt nước.

Cơ hội thay đổi tình trạng này cho khu bờ tây hiện nay là cải tạo lại những khu nhà ổ chuột bằng cách giải tỏa, xây nhà cao tầng cho dân, phần diện tích còn lại dành phần lớn cho các công viên, hồ nước, sau đó là cho các tiện ích công cộng và cho giao thông.

– Việc xây các cao ốc chung cư còn phù hợp với xu hướng nữa hay không, thưa anh? Nhiều người cho rằng những tòa nhà lớn thì che lấp không gian, mang lại cảm giác ngột ngạt và nặng nề trong đô thị?

– Cao ốc là lựa chọn phù hợp quy hoạch xanh trong đô thị nếu làm đúng cách. Thí dụ một khu đất 1.000.000 m2 thay vì xây 8.000 căn nhà thấp tầng trên toàn khu đất thì có thể chỉ cần xây 50 cao ốc trên 1/3 diện tích đất và dành 2/3 đất còn lại cho cây xanh, mặt nước và giao thông các loại, thì sẽ có một khu đô thị xanh rất đẹp, mà diện tích sử dụng và kinh phí bỏ ra tương đương, hiệu quả kinh tế cũng tương đương. Vấn đề là ở chỗ nếu vì lòng tham lợi nhuận, người ta lại xây tăng mật độ gấp 3 lần – tức là 150 cao ốc hoặc hơn và dành rất ít đất cho cây xanh, thì lúc đó thật đúng là ngột ngạt.

– Anh từng nói “Đối tượng cần bồi dưỡng nhiều nhất là những nhà lãnh đạo bởi họ có quyền ra quyết định”. Nhưng tiếng nói của giới chuyên môn cũng rất quan trọng. Anh có những đề xuất nào cho việc phát triển quy hoạch kiến trúc đô thị xanh?

– Để phát triển quy hoạch kiến trúc bền vững, cần có sự hợp tác đa ngành trong mọi lãnh vực.

Về mặt quản lý, trước hết cần lập được bộ tiêu chí cho Việt Nam như đã nói ở trên, đồng thời luật hóa nó, khuyến khích việc ứng dụng trong thực tế. Cần có những ưu đãi tài chính (về thuế hoặc phí) cho các công trình đạt chuẩn xanh này.

Tiếp tục hoàn thiện các nghiên cứu đa ngành trong quy hoạch kiến trúc bền vững, đưa vào chương trình giảng dạy.

Cần cung cấp những thông tin hữu ích và dễ thực hiện về kiến trúc xanh cho người dân khi họ có nhu cầu cải tạo và xây dựng công trình.

Rà soát lại các quy hoạch hiện hữu để có thể đưa ra những giải pháp điều chỉnh hoặc cải tạo lại theo hướng bền vững cho các khu đô thị hiện hữu. Các khu đô thị mới cần được phát triển theo tiêu chí xanh và bền vững, có tham khảo kinh nghiệm của các đô thị tiên tiến trên thế giới.

– Xin cảm ơn những chia sẻ của anh !

Nguồn: Báo Nhân Dân