Phát triển thương mại điện tử – xu hướng tất yếu
07.03.2017
Chỉ với một tài khoản FB này, 14 người đã bị lừa, tổng số tiền lên tới hàng chục triệu đồng. Cùng một chiêu thức, đăng thông tin bán hàng lên mạng xã hội với giá thành rẻ kèm hình ảnh bắt mắt, nhiều khách hàng đã tin tưởng, chuyển khoản mà không biết chủ tài khoản này tên là gì, ở đâu. Dấu hiệu lừa đảo rõ ràng, nhưng nhiều nạn nhân, vì các lý do, thậm chí còn không đến trình báo ở các cơ quan chức năng, mà chờ đợi với hy vọng kẻ lừa đảo sẽ trả lại tiền.
Các vụ việc lừa đảo buôn bán qua internet đều xuất phát từ việc người tiêu dùng chưa có những kiến thức về pháp luật để tự bảo vệ mình. Nhưng ngay cả các doanh nghiệp kinh doanh online cũng chưa quan tâm đến pháp luật và đăng ký kinh doanh.
Theo các chuyên gia, việc mua bán online hiện nay tại Việt Nam lại chủ yếu thông qua mạng xã hội như facebook, zalo,… Tuy nhiên mạng xã hội lại không phải là kênh mua bán điện tử chính thống do không thể xác thực thông tin chủ tài khoản. Người bán có thể sử dụng nhiều tài khoản, thay đổi tên tài khoản, chặn phản hồi từ người mua chỉ bằng những thao tác đơn giản. Và với hơn 5 tỷ tài khoản FB trên toàn thế giới và 5 triệu tài khoản tại Vn, việc quản lý là rất khó.
Không chỉ việc mua bán qua mạng xã hội, ngay cả các sàn giao dịch thương mại điện tử, website giao vặt hiện nay cũng đang vi phạm pháp luật khi không đăng ký, thông báo với Bộ Công thương. Và nếu như có tranh chấp từ phía người mua hàng với người bán thì chắc chắn chịu thiệt thòi sẽ là người tiêu dùng.
Theo thống kê mới nhất, hiện Việt Nam có tới 35 triệu người đang sử dụng điện thoại thông minh. Trung bình mỗi ngày một người cầm điện thoại lên và xem khoảng 150 lần, tức là hơn 10 lần mỗi giờ. Con số này khiến chúng ta không khỏi giật mình. Nhưng lại là cơ hội đối với các doanh nghiệp kinh doanh online nếu có thể tận dụng và nắm bắt kịp thời mọi khoảnh khắc người dùng tìm kiếm nội dung, thông tin. Thời đại của mua sắm online thay thế mua sắm truyền thống đang đến gần.
Nhằm tạo hành lang pháp lý cho các giao dịch thương mại điện tử được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, nghị định 52 năm 2013 của chính phủ đã quy định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các hành vi bị cấm, trách nhiệm quản lý của nhà nước, trách nhiệm của chủ kinh doanh, các thủ tục đăng ký website bán hàng điện tử. Nhưng vẫn thiếu chế tài cho các hành vi vi phạm khi kinh doanh TMĐT qua di động. Có hàng ngàn website mua bán đang hoạt động trái phép, nhưng số lượng bị xử lý lại rất ít.
Mới đây, Cục thương mại điện tử đã đưa ra thông báo danh sách 8 website của 7 doanh nghiệp bị đình chỉ hoạt động và phạt từ 10 đến 20 triệu đồng do chưa đăng ký, thông báo với Bộ Công thương.
Với dân số 92 triệu người, nhiều tập đoàn thương mại điện tử đang nhắm đến Việt Nam là một thị trường màu mỡ, đầy tiềm năng. Xu hướng hiện nay cho thấy, giá trị các giao dịch qua thương mại điện tử cũng ngày càng tăng. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không nắm bắt được cơ hội thì nguy cơ thua ngay trên sân nhà hoàn toàn có thể xảy ra. Kinh doanh online cần sự đầu tư nghiêm túc để xây dựng niềm tin vững chắc nơi khách hàng. Nhưng trước tiên phải tuân thủ pháp luật.
Về phía người tiêu dùng cũng cần tự trang bị kiến thức để tự bảo vệ mình. Chỉ tin tưởng và giao dịch với các website thương mại điện tử có nhãn tín nhiệm của Bộ công thương./.
Lợi ích mà TMĐT đem lại chính là sự tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho các bên giao dịch. Các giao dịch qua internet rất nhanh chóng, tiện lợi trong khi chi phí lại rất rẻ. Với TMĐT, các bên có thể giao dịch khi ở cách xa nhau, không bị giới hạn bởi không gian địa lý. Điều này cho phép các doanh nghiệp, người tiêu dùng tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian gặp mặt trong quá trình mua bán.
Nguồn:Tổng hợp