sunshine
group

Thị trường BĐS thế giới trong tương lai sẽ tìm đến mô hình đô thị nào?

Không phải mô hình đô thị nén mà thị trường bất động sản (BĐS) thế giới trong tương lai đang “săn tìm” và phát triển mạnh mẽ ở đô thị thông minh, đô thị hạnh phúc. Ở đó, chất lượng cuộc sống của con người là tiêu chí hàng đầu bên cạnh nền tảng về kinh tế. Đó là những thông tin đáng chú ý được các chuyên gia chia sẻ trong Hội nghị BĐS quốc tế - IREC 2018 diễn ra tại Hà Nội ngày 6/8.

Đô thị thông minh – Cơ hội phát triển mạnh của thị trường BĐS

Theo TS Nguyễn Tường Văn – Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), phát triển đô thị thông minh hướng đến tăng trưởng xanh và phát triển bền vững là xu hướng tất yếu trong kỷ nguyên phát triển của công nghệ số. Việc ứng dụng giải pháp và công nghệ của đô thị thông minh sẽ tạo cơ hội cho thị trường BĐS phát triển mạnh mẽ hơn, đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.

TS Nguyễn Tường Văn – Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) chia sẻ về quan điểm đô thị thành phố thông minh tại Hội nghị IREC 2018.

TS Nguyễn Tường Văn khẳng định: Phát triển đô thị thông minh trên nền tảng hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung là điều kiện minh bạch hóa các thông tin về quản lý sử dụng đất đai hiệu quả, minh bạch hóa thị trường BĐS, đảm bảo tính cạnh tranh phát triển lành mạnh, hỗ trợ vai trò của các cơ quan quản lý trong việc điều tiết thị trường, kết nối cung cầu đảm bảo ổn định và tháo gỡ vướng mắc cho các hoạt động của thị trường BĐS.

Với thực trạng tiềm lực của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, thúc đẩy phát triển đô thị thông minh sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Đây cũng là cơ hội nâng cao chất lượng nguồn nhân lực không chỉ trong khu vực quản lý Nhà nước mà cả các doanh nghiệp BĐS tham gia vào quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam.

Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cho rằng, để phát triển thị trường BĐS Việt Nam trong bối cảnh phát triển đô thị thông minh cần có giải pháp đồng bộ như xây dựng hệ thống cơ chế chính sách vừa đảm bảo phù hợp với chủ trương chung của Đảng và pháp luật của Nhà nước, đồng thời đáp ứng được những yêu cầu của thực tiễn xã hội, thị trường BĐS; Bổ sung hệ thống các tiêu chí, tiêu chuẩn về quy hoạch đô thị thông minh, đô thị tăng trưởng xanh; Hệ thống theo dõi đánh giá quá trình hình thành và phát triển; Ban hành các hướng dẫn xây dựng quy chế quản lý, vận hành, kiểm soát quá trình phát triển đô thị để cộng đồng có thể tham gia cùng xây dựng và phát triển; Áp dụng khoa học công nghệ trong công tác quy hoạch và quản lý phát triển đô thị; Nghiên cứu cơ chế thúc đẩy, hỗ trợ các giải pháp mang tính đột phá cả về công nghệ và phi công nghệ; Phát triển hệ thống hẹ tầng kỹ thuật đáp ứng được các yêu cầu bảo vệ môi trường; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và nhận thức của cộng đồng xã hội; Nghiên cứu các cơ chế chính sách thúc đẩy hợp tác giữa doanh nghiệp trong nước vào quốc tế…

Một app công nghệ được áp dụng tại Dự án đô thị thông minh Sunshine City tại Hà Nội.

Ông Lê Nhỏ – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sunshine Group – Tập đoàn tiên phong trong xây dựng đô thị thông minh nêu quan điểm: Đề án “Phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mới đây sẽ là những định hướng quan trọng, tác động mạnh mẽ đến môi trường bất động sản thông minh – xu thế nóng trong những năm vừa qua.

Ông Lê Nhỏ – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sunshine Group “hiến kế” 3 đề xuất phát triển thị trường BĐS và đô thị thời công nghệ 4.0.

Vì vậy, đây là thời cơ để áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào BĐS, là cơ hội để Việt Nam có thể hiện thực hoá phương châm “đi tắt đón đầu” trước các thành quả do khoa học công nghệ mang lại.

Trên thực tế, đã có một số doanh nghiệp BĐS đưa ra những tham vọng và sự chuẩn bị sẵn sàng để bước lên con tàu 4.0 với việc áp dụng công nghệ vào quản lý và phát triển các dự án.

Có thể thấy trong thời điểm hiện tại, với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội và tiềm năng cũng song hành với những thách thức không hề nhỏ. Để vượt qua, chúng ta cần phải có một chiến lược mang tầm vóc quốc gia, có sự hợp lực theo một hướng đi chung, với cùng một quyết tâm và nỗ lực vượt bậc thì mới có thể đạt được sự thành công như mong đợi.

Đô thị hạnh phúc – Xu hướng của tương lai

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị, ông Mahmoud Al Burai – Giám đốc điều hành Viện BĐS Du Bai đã chia sẻ các thông tin về đô thị hạnh phúc.

Theo ông Mahmoud Al Burai, để con người có cuộc sống bền vững, hạnh phúc thì BĐS phải hướng đến đảm bảo bền vững, đổi mới, sáng tạo. Đô thị hạnh phúc nghĩa là con người hạnh phúc.

Ông Mahmound Al Bruai từ Dubai – Giám đốc điều hành, Viện BĐS Dubai, Dubailand, UAE giới thiệu về thành phố thông minh – thành phố hạnh phúc.

Vị chuyên gia cho rằng: “Chúng ta phải tính đến các yếu tố từ người dân và lấy người dân làm trung tâm khi muốn phát triển đô thị hạnh phúc. Hãy nghĩ một đô thị là một ngôi nhà, ngôi nhà đó có rất nhiều các căn phòng và trong đó là một gia đình. Gia đình đó luôn cần phải kết nối với nhau và hàng xóm của họ. Nghĩa là, một đô thị thông minh là đô thị có thể giúp con người được kết nối với nhau một cách dễ dàng. Nhân tố đem lại sự hạnh phúc chính là “bền vững”.

Khi xây dựng đô thị, chúng ta có thể xây dựng hạ tầng, nhà cửa dựa trên một mật độ xây dựng phù hợp. Cần đề cao các không gian cho sinh hoạt cộng đồng. Sự gắn kết giữa người với người, với xã hội là nhân tố làm nên thành phố hạnh phúc. Khi chúng ta xây dựng đường sá nhưng mật độ đô thị lại quá dày.

Qua nghiên cứu, khi những người dân được kết nối với nhau sẽ hạnh phúc và sống lâu hơn. Những đô thị hạnh phúc là những đô thị mức độ tin tưởng cao. Do vậy, cần có những thiết chế tăng cường sự tin tưởng lẫn nhau”.

Một quốc gia phát triển không phải là nơi mà người nghèo có xe hơi mà là nơi người giàu đi phương tiện công cộng. Nếu xây dựng các đô thị cho các phương tiện giao thông thì các thành phố trên thế giới sẽ chỉ ngày càng có nhiều ô tô hơn. Còn nếu tập trung xây dựng đô thị cho con người thì con người sẽ có nhiều hơn cơ hội được giao tiếp với nhau, kết nối với nhau.

Những số liệu thống kê từ Hà Lan cho thấy, người đi xe đạp hạnh phúc hơn đi xe hơi. Những phương tiện giao thông cũng tác động đến hạnh phúc của con người. Nhân tố nữa mang lại hạnh phúc là xây dựng hạ tầng và mảng xanh đô thị, yếu tố nữa là sự bình đẳng. Sự bất bình đẳng gia tăng sẽ giảm hạnh phúc.

Theo nghiên cứu, nếu xây dựng quốc gia mang yếu tố thể chế hòa nhập, quốc gia sẽ thành công. Ngược lại, quốc gia xây dựng thể chế cho người giàu, quốc gia đó sẽ thất bại. Ở các thành phố, người dân phải có khả năng tiếp cận với phúc lợi xã hội, với khả năng sở hữu nhà. Một thành phố mà người dân không có khả năng có nơi ở thì không thể gọi là một thành phố hạnh phúc. Thành tố môi trường, môi trường tự nhiên cũng tác động đến chỉ số hạnh phúc. Quản trị tốt các ngành, các cấp cũng tác động lớn đến sự hạnh phúc của người dân.

Đại diện Tập đoàn Sunshine Group “hiến kế” đưa ra 3 kiến nghị góp phần xây dựng nên bộ mặt hoàn toàn mới cho đô thị thông minh Việt Nam trong kỷ nguyên số công nghệ 4.0 như sau:

Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định hướng dẫn, khuyến khích doanh nghiệp BĐS áp dụng công nghệ 4.0 trong việc phát triển các dự án BĐS để thúc đẩy thị trường BĐS Việt Nam phát triển hiện đại, bắt kịp xu hướng dự án thông minh, thành phố thông minh trên thế giới.

Thứ hai, kiến nghị Bộ Xây dựng xây dựng bộ cơ sở dữ liệu các dự án BĐS từ đó kết nối với Chính phủ điện tử. Điều này giúp thị trường BĐS phát triển minh bạch, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước dễ dàng tìm hiểu các cơ hội đầu tư. Đặc biệt, với bộ cơ sở dữ liệu cho các dự án BĐS, các cơ quan quản lý sẽ quản lý minh bạch chống đầu cơ, thổi giá trên thị trường.

Thứ ba, trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, số lượng người nước ngoài mua sản phẩm BĐS ở Việt Nam sẽ tăng lên nhanh chóng, cùng với việc kiểm soát người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, Chính phủ cũng cần có những chính sách để thu hút thêm đầu tư nước ngoài. Vì vậy, kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ người nước ngoài được mua nhà tại một dự án không nhất thiết phải dưới 30%. Kiến nghị điều chỉnh tỷ lệ người nước ngoài được mua trong một dự án theo từng khu vực cụ thể.