sunshine
group

Kiến trúc xanh – Hiểu thế nào cho đúng

Theo Kiến trúc sư (KTS) Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, có rất nhiều khái niệm về kiến trúc xanh, nhưng có thể hiểu một cách giản dị, kiến trúc xanh là kiến trúc được tạo dựng nên bởi những vật liệu thân thiện với môi trường; hài hòa, không phá vỡ cảnh quan xung quanh; gắn bó con người với thiên nhiên; không làm ô nhiễm môi trường sống và tiết kiệm tối đa các nguồn năng lượng…

Trên thế giới, kiến trúc xanh đã được nhắc đến vào thập niên 80 của thế kỷ XX và trở thành xu thế phát triển của kiến trúc hiện đại. Tuy nhiên, ở Việt Nam, phải đến những năm đầu của thế kỷ 21, khái niệm kiến trúc xanh mới được biết đến.

Từ năm 2011 đến nay, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã tổ chức nhiều chương trình, hội thảo, cuộc thi…, nhằm tuyên truyền, vận động giới nghề, chủ đầu tư hiểu rõ về khái niệm “Kiến trúc xanh”, hướng đến mục tiêu thiết kế và xây dựng những công trình đạt kiến trúc xanh, thích ứng tốt với môi trường tự nhiên, tiết kiệm tối đa nguồn năng lượng và chống lại biến đổi khí hậu.

Lam Cafe, thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) – Công trình đạt giải Kiến trúc xanh của Việt Nam năm 2012

Đặc biệt, năm 2011, Hội Kiến trúc sư Việt Nam đã chính thức ra tuyên ngôn “Kiến trúc xanh Việt Nam” và ban hành 5 tiêu chí cụ thể của kiến trúc xanh Việt Nam. Theo đó, kiến trúc xanh không chỉ là công trình có nhiều cây xanh, thân thiện với môi trường mà còn phải bao hàm cả tính xã hội – nhân văn… Ví dụ, một công trình đáp ứng được rất nhiều yếu tố “xanh” như: Có nhiều cây xanh, sử dụng vật liệu công nghệ cao, tiết kiệm năng lượng thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, nếu trong quá trình xây dựng, công trình này phá vỡ cảnh quan xung quanh khu vực sẽ không phải là một kiến trúc xanh.

Theo KTS. Lê Văn Thiêm – Hội Kiến trúc sư Việt Nam, kiến trúc xanh không phải là một điều gì đó xa lạ với người Việt. Trên thực tế, ở Việt Nam kiến trúc xanh đã có từ rất xa xưa, đó là cấu trúc nhà truyền thống được xây dựng bằng vật liệu đất nện, tre, mái lợp bằng rơm; làm nhà hướng Nam để đón gió mát về mùa hè, tránh gió lạnh về mùa đông; có ao hồ trước nhà, cây cối xung quanh. Xã hội ngày càng phát triển, quá trình đô thị hóa đã dần phá vỡ những kiến trúc xanh ở các vùng nông thôn. Tuy không thể hoài niệm những cái cổ xưa, nhưng đó là những bài học, là triết lý trong thiết kế mà kiến trúc hiện đại có thể kế thừa và phát huy.

Ông Thiêm chia sẻ, trong kiến trúc hiện đại, để một công trình đạt được tất cả các tiêu chí của kiến trúc xanh là rất khó, bởi ngoài trình độ của kiến trúc sư còn cần phải có một nguồn vốn lớn, mà không phải nhà đầu tư nào cũng “chịu chi”, đó là chưa kể những yếu tố về xã hội, nhân văn. Tuy nhiên, khó nhưng không phải là không thể, Việt Nam đã có một số công trình đạt giải kiến trúc xanh của thế giới như công trình Ngôi nhà xanh, Bamboo Wing của KTS Nguyễn Trọng Nghĩa…

Để kiến trúc xanh trở thành xu thế trong kiến trúc hiện đại của Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng đã và đang thực hiện công tác tuyên truyền, tôn vinh các công trình đạt kiến trúc xanh, tổ chức các khóa đào tạo nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ kiến trúc sư…

5 tiêu chí của kiến trúc xanh Việt Nam:

1. Địa điểm bền vững: Tạo lập cảnh quan hài hòa, bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực giữa công trình kiến trúc với cảnh quan xung quanh; khai thác và phát huy những yếu tố tự nhiên có lợi cho môi trương sống của con người.

2. Sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả: Nâng cao hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng; hạn chế tác động đến môi trường tự nhiên và giảm thiểu hiệu ứng nhà kính trong việc sử dụng tài nguyên đất đai, nước, năng lượng, vật liệu…

3. Chất lượng môi trường trong nhà: Tạo được môi trường trong nhà có chất lượng, bảo đảm an toàn, vệ sinh và tiện nghi, sử dụng hiệu quả công trình.

4. Kiến trúc tiên tiến, bản sắc: Hướng tới nền kiến trúc hiện đại, gắn với kế thừa các giá trị truyền thống, tạo lập bản sắc kiến trúc Việt Nam.

5. Tính xã hội – nhân văn và bền vững: Phát triển kiến trúc phải gắn với mục tiêu tạo lập, gìn giữ, nuôi dưỡng môi trường xã hội – nhân văn ổn định, bền vững.

Nguồn tổng hợp