TS. KTS Trần Quốc Bảo – Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, ĐH Xây dựng – chuyên gia có nhiều công trình nghiên cứu về phong cách kiến trúc Đông Dương thốt lên như vậy khi kể chuyện kế thừa tinh hoa kiến trúc Đông Dương trong những công trình hiện đại.

Cách đây khoảng 100 năm người Pháp đã mang tới sự kế hợp hài hòa giữa kiến trúc kinh viện Châu Âu với các thành phần và giải pháp kiến trúc bản địa để hình thành nên phong cách Kiến trúc Đông Dương đầy mê hoặc. Đại học Đông Dương, Bảo tàng Louis Finot, Sở Tài chính những năm 1920… tiếp nối những công trình Tân cổ điển đầu thế kỷ XX khẳng định người Pháp chưa bao giờ lặp lại chính họ, ngay cả tại thuộc địa.

“Thế nên, thế kỷ 21 rồi, đừng bê nguyên những điều đẹp đẽ của trăm năm trước. Anh yêu thích phong cách Đông Dương, mà theo tiếng Pháp là Style Indochinois đến mấy, cũng phải kế thừa cái tinh thần cốt lõi và đặt các công trình trong bối cảnh đương đại!”.

Đầu tiên hãy ngược dòng thời gian, theo KTS, lý do gì để chính người Pháp đã không lựa chọn xây dựng các công trình giống hệt kiến trúc Pháp tại Việt Nam 100 năm trước thưa ông?

Về câu chuyện kiến trúc, rất may cho Việt Nam nói riêng và toàn cõi Đông Dương ở thời thuộc Pháp nói chung là chúng ta có sự xuất hiện của Ernest Hébrard. Ông là một trong số ít những KTS tài năng xuất chúng của Pháp đạt Khôi nguyên La Mã (Prix de Rome) – danh hiệu danh giá nhất trong giới KTS thời ấy.

Bước đầu của hành trình tìm kiếm phong cách kiến trúc mới ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động thi công của các nhà thầu Pháp. Công văn trao đổi, thông báo thay đổi kích thước, kiểu dáng thiết kế; đơn thư khiếu nại của chủ thầu bị dừng thi công do không có bản vẽ chính thức; phá hủy phần công trình vừa làm xong để thay thế bằng những giải pháp mang yếu tố bản địa.

Năm 1927, toà nhà chính của khu Đại học Đông Dương kết hợp kiến trúc cổ điển Pháp với các hình thức trang trí mặt đứng đậm phong cách Á Đông xây dựng xong và nhận được sự tán thưởng của mọi người. Lúc này E. Hébrard mới gọi thử nghiệm đầu tiên của mình là “phong cách Đông Dương” (style Indochinois).

Chọn công trình giáo dục để thể hiện quyết tâm phủ nhận sự rập khuôn với mẫu quốc và tôn vinh những giá trị bản địa, E. Hébrard cho thấy tinh thần khai phóng và dám phủ nhận chính mình của người Pháp rất đáng quý. Nếu E.Hébrard cũng tư duy theo kiểu bê nguyên kiến trúc Pháp vào môi trường bản địa chắc chúng ta không có một Hà Nội như ngày hôm nay. Và cũng chẳng có luôn phong cách Đông Dương hoàn hảo với vùng đất này như vậy.

Chúng ta vẫn thường nói rằng kiến trúc Việt Nam cần phát triển theo hướng hiện đại dân tộc. Ngay từ những năm đầu thế kỷ 20, với phong cách kiến trúc Đông Dương người Pháp đã chỉ cho chúng ta thấy hiện đại – dân tộc là gì rồi đấy!

Vậy chúng ta đã phát triển tinh thần hiện đại – dân tộc của phong cách kiến trúc Đông Dương ấy như thế nào thưa ông?

Một công trình quy mô rộng lớn theo kiểu Pháp, không gian sử dụng hiện đại theo kiểu Pháp nhưng lại được khoác lên vẻ ngoài rất dân tộc. Ta cần hiểu vẻ ngoài không chỉ là hoa văn trang trí đơn thuần mà còn bao gồm các giải pháp kiến trúc để công trình hiện đại phù hợp với thiên nhiên, với khí hậu, với con người Việt Nam. Đấy mới là tinh thần cốt lõi của phong cách Đông Dương.

Việt Nam tự hào có một KTS tài ba đạt được giải thưởng Khôi nguyên La Mã là ông Ngô Viết Thụ. KTS này đã tiếp thu rất chuẩn xác tinh thần phong cách Indochine từ người Pháp. Trên nền phong cách Indochine, Ngô Viết Thụ đã góp phần hình thành dòng kiến trúc hiện đại nhiệt đới.

Dinh Độc Lập là ví dụ tiêu biểu nhất. Công trình ở thời điểm xây dựng có quy mô lớn, không gian và công năng sử dụng hiện đại. Ngô Việt Thụ đã thiết kế nên một mảng tường hoa trên các mặt đứng của Dinh Độc Lập giống như những đốt tre tiếp nối nhau vừa tạo độ thẩm mĩ mới lạ vừa có tác dụng che nắng, cách nhiệt, chống mưa hắt cho không gian bên trong hiệu quả.

Không chỉ mỗi Dinh Độc Lập, thư viện TP.HCM rồi nhiều công trình khác ở Miền Nam trước năm 1975 cũng sử dụng những bức tường hoa và các yếu tố bản địa, mặc dù không gian bên trong rất hiện đại. Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính hiện đại và dân tộc tạo ra những công trình độc đáo, gần gũi với người Việt nhưng cũng không xa lạ với trào lưu kiến trúc Hiện đại thế giới.

Phản đối kiểu kiến trúc “nhái” và đặt công trình tùy tiện vào những vị trí địa lý không phù hợp. Vậy khi đã có được tinh thần kiến trúc Đông Dương rồi, theo ông những vị trí nào sẽ góp phần tôn vinh phong cách kiến trúc này?

Song song với việc tạo ra phong cách Kiến trúc Đông Dương, KTS E.Hébrard đã dùng hết tài năng của mình để thiết kế bản quy hoạch tổng thể cho Hà Nội nhằm tôn vinh “đứa con tinh thần của mình”. Đó là bản quy hoạch tuyệt vời. Lần đầu tiên Hà Nội có được quy hoạch phân khu chức năng một cách rõ rệt và bám sát các yếu tố bản địa, yếu tố địa phương tốt đến vậy.

Đồ án của E.Hébrard cho thấy quan điểm của người Pháp lúc đó là ưu tiên mở rộng đô thị dựa trên quy tắc zoning (quy hoạch phân vùng). Theo đó, khu trung tâm hành chính cũng như khu phố Pháp của Hà Nội được bố trí theo trục đối xứng xuyên tâm đan xen với hệ thống không gian xanh đảm bảo cho sức khoẻ.

Mặt khác, E.Hébrard rất quan tâm quy hoạch các khu vực phát triển kinh tế – xã hội bền vững cho thành phố bằng cách dùng chính một dòng sông để phân định rõ ràng khu đô thị với khu công nghiệp. Bên phải của sông Hồng được quy hoạch để phát triển đô thị, trung tâm chính trị … Tất cả các nhà máy, khu công nghiệp sang hết bên trái.

Đối với E.Hébrard, sông Hồng có vị trí quan trọng với Hà Nội chẳng khác nào sông Seine ở Paris. Từ rất lâu đời người Pháp đã coi sông Seine là một “mặt tiền” trời cho để giúp Paris làm sang với thiên hạ. Cho nên đôi bờ của dòng sông đã được họ quy hoạch để có thể khoe hết kiến trúc này đến di sản khác suốt dọc dài hơn 14km sông chảy qua nội đô. Nhà ở bên sông Seine đắt kinh khủng, nhưng cả thế giới đều muốn được ở đó.

Khi làm quy hoạch cho Hà Nội, dụng công của E.Hébrard là muốn biến sông Hồng trở thành một trong những sân khấu chính để phong cách kiến trúc Đông Dương của ông trở nên có giá trị hơn ở bất cứ đâu. Rất tiếc E.Hébrard đã không thực hiện được do bối cảnh lịch sử.

Về kiến trúc và quy hoạch, làm sao để Hà Nội đẹp đẽ và hấp dẫn như danh xưng “Paris của Phương Đông”?

Cảnh quan của Hà Nội sông Hồng là chính rồi, nhưng chúng ta cũng đừng quên vai trò và giá trị của những dòng sông khác chảy qua thành phố này. Thậm chí, điểm giao nhau giữa sông Hồng với sông Đáy có thể tạo ra không gian cảnh quan và vị thế đắc địa nổi bật. Nếu chúng ta phát triển quy hoạch đô thị ở những vị trí đó, có những dự án tầm cỡ ở đó sẽ vừa giải tỏa được áp lực cho nội đô vừa giúp kéo dài trục phát triển thành phố về phía Tây, rất phù hợp với quy hoạch của Hà Nội giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trên thực tế, không gian sống ven sông mang lại giá trị về mặt tiện nghi, cảnh quan và tầm nhìn cho cư dân cực kỳ đẹp.

Đã có nghiên cứu cho thấy nhiệt độ của các khu vực gần sông hồ có thể giảm tới khoảng 2 độ C so với bình thường. Bạn đừng nghĩ 2 độ C là không lớn. Nhà tôi chuyển từ phố Đặng Dung về sống gần sông được hơn 20 năm nên chúng tôi cảm nhận rất rõ tác động của nhiệt độ đối với sức khỏe, đối với các chỉ số tiêu thụ năng lượng trong mỗi gia đình.

Cho nên nếu quy hoạch phát triển đô thị, một lưu ý rất quan trọng đó là Hà Nội cần khai thác không gian từ các dòng sông của thành phố. Xét về mặt cảnh quan, đương nhiên không gian ven sông sẽ giúp tôn vinh vẻ đẹp của các công trình trình kiến trúc lên nhiều lần hơn nữa.

Cơ hội để người Việt Nam có thể sở hữu những công trình kiến trúc phong cách Đông Dương với tinh thần hiện đại – dân tộc tại các vị trí đắc địa như ven sông có nhiều không thưa ông?

Hiện tại tôi đang nhìn thấy 2 xu hướng phát triển BĐS khá rõ nét ở Việt Nam. Một kiểu là xây nhà cao tầng sát sàn sạt vào nhau, trên một diện tích dự án có càng nhiều nhà bán càng tốt.

Một kiểu khác là không gian sống được quy hoạch hài hòa và tôn trọng tự nhiên, có cây xanh, mặt nước… Những sản phẩm BĐS này đương nhiên sẽ đắt hơn nhưng sẽ giúp chủ nhân sống trong môi trường tiện nghi hơn.

Khi sống và làm việc ở nước ngoài tôi nhận thấy rằng phương pháp tính giá trị BĐS của quốc tế rất bài bản.

Một công trình kiến trúc dân dụng có thời gian sử dụng trung bình khoảng 60 năm và chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp mọi thông tin về công trình đó từ lúc thiết kế cho hết tuổi thọ công trình. Nghĩa là phải tính ra được các giai đoạn người sử dụng cần bảo trì, sửa chữa nhà. Thậm chí phải tính được năng lượng tiêu thụ dự kiến của một căn hộ trong 60 năm.

Trên cơ sở đó, người mua nhìn thấy rõ, những loại BĐS mật độ xây dựng dày đặc không còn chỗ cho các không gian xanh, người mua phải sống trong môi trường thiếu tiện nghi, càng ở phải dùng nhiều năng lượng… giá ban đầu có thể rẻ, nhưng sau 60 năm, nhà mua tưởng rẻ lại thành đắt. Và để thỏa mãn nhu cầu cuộc sống về lâu dài chưa chắc người ta đã chi tiền ngay cho những loại BĐS giá rẻ ít tiện nghi.

Theo thời gian, những công trình kiến trúc mang tinh thần của phong cách Đông Dương vừa đẹp vừa gần gũi thiên nhiên, gần gũi với những giá trị văn hóa bản địa sẽ thuyết phục được người tiêu dùng.

Có ví dụ nào cho thấy những công trình mang phong cách Đông Dương thời hiện đại có thể đáp ứng tốt nhu cầu của người Việt, thưa KTS?

Vừa đúng lúc tôi đang thấy một dự án ở Việt Nam, với tên gọi là Sunshine Heritage Resort. Qua những hình ảnh tôi thấy, tinh thần Đông Dương mà cha đẻ của nó là E.Hébrard thổi vào thể hiện rất rõ trong cả quy hoạch nói chung và từng công trình nói riêng.

Về quy hoạch tổng thể, ưu thế lớn của dự án này là mặt nước, chủ đầu tư đã phát huy rất tốt vị thế ngã ba sông. Không chỉ mặt sông, người ta còn đưa nước len lỏi vào từng khu vực xây dựng, kết hợp với cây xanh trong khuôn viên từng biệt thự. Mật độ xây dựng thấp, còn lại dành cho cây xanh và mặt nước. Đây là tỷ lệ xanh rất cao.

Ấn tượng nữa khi nhìn vào thiết kế công trình cụ thể, ở phân khu lớn nhất của dự án là Indochine.

Phần mái của các biệt thự đua ra rất rộng. Khi dạy sinh viên môn Kiến trúc Khí hậu hay Kiến trúc Xanh, tôi vẫn lưu ý rằng Việt Nam là nước vừa nắng lắm vừa mưa nhiều nên sau này ra nghề có thiết kế mái công trình, KTS cần đua mái rộng ra, vừa chống mưa hắt lại che được nắng táp. Các biệt thự ở dự án này có mái đúng tinh thần đó.

Các biệt thự ở đây thể hiện rất rõ tinh thần tìm kiếm giải pháp nhiệt đới hóa kiến trúc khi thiết kế ban công rộng, tạo ra một không gian chuyển tiếp rất phù hợp với khí hậu nhiệt đới Việt Nam. Rèm che nắng rất duyên dáng gợi lại ký ức về những bức mành tre trong nhà ở truyền thống, lúc có nắng chỉ cần kéo xuống, đến khi tắt nắng, trời mát dễ dàng kéo lên cho gió mát ùa vào.

Hệ thống cửa của các biệt thự ở dự án này như tôi thấy trên bản vẽ là dùng phương án hai lớp kính và chớp giống nguyên lý các biệt thự phong cách Đông Dương đầu thế kỷ 20. Phần cửa kính lại được sử dụng loại kính Low-e, là loại cản nhiệt tốt thời bây giờ. Ở một số công trình sang trọng, mong muốn giảm bức xạ mặt trời, nhà đầu tư sẽ dùng kính Low-e. Tuy chi phí đầu tư không hề rẻ nhưng nhờ tính năng cản nhiệt tốt (khoảng 50% so với kính thông thường) nên chủ nhà sẽ giảm được điện năng chi trả cho điều hòa, quạt mát. Đó đều là các giải pháp nhiệt đới hóa thiết kế kiến trúc rất hiện đại mà vẫn mang tính dân tộc.

Tiếp xúc với những dự án như thế cá nhân ông có cảm thấy thích không?

Tôi mà có tiền thì tôi cũng mua! (cười)

Vừa đẹp vừa tiện nghi ai chẳng mê. Những biệt thự “nhái” Pháp thuộc hoàn toàn chẳng có gì phù hợp với văn hóa, môi trường tự nhiên của Việt Nam cả. Ngược lại những công trình này khi đi vào khai thác sẽ là một biệt thự Việt Nam mang phong cách sống hưởng thụ theo ý nghĩa trọn vẹn nhất của từ này.

Đầu tiên, thiết kế phù hợp với con người Việt Nam. Nhìn vào đã thấy rất gần gũi. Đây cũng là một công trình xanh thực sự, với cây xanh, mặt nước, không gian mở đón nắng – gió tự nhiên… Do vậy, theo tôi công trình này đúng nghĩa hướng đến tinh thần phong cách Đông Dương và rất phù hợp với xu hướng của thời đại.